Sáng ngày 31/3, tại UBND TP Đà Lạt đã tổ chức hội thảo bàn bạc, góp ý để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt.
Hồng Đà Lạt từ lâu đã trở thành đặc sản được nhiều du khách chọn mua
Hội thảo đã làm việc các nội dung chính xoay quanh các vấn đề: Bàn bạc xây dựng ý tưởng biểu trưng logo cho nhãn hiệu hồng Đà Lạt (thiết kế truyền thống hay hiện đại, có cần hình ảnh hay kết hợp tên và hình ảnh); Xác định một số tiêu chí đặc thù về chất lượng của sản phẩm nhãn nhiệu chứng nhận (các chỉ tiêu về an toàn, ngoại quan như màu sắc, hình dáng, mùi vị…); Chi tiết các bước xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, quy chế quản lý; Trách nhiệm và quyền lợi của người sử dụng nhãn hiệu, quyền hạn của cơ quan quản lý nhãn hiệu…
Hồng sấy dẻo Đà Lạt là một trong các sản phẩm mang đến giá trị kinh tế cao từ Hồng ăn trái
Hiện nay, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn, chủ yếu được trồng nhiều tại các Phường 3, Phường 4, Phường 5, Phường 7, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành… đã trở thành loại quả đặc trưng, đặc sản Đà Lạt. Việc xây dựng nhãn hiệu Hồng Đà Lạt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng ăn trái, giữ vững và phát triển diện tích trồng hồng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho trái hồng.
(Theo báo Lâm Đồng)