Theo dấu xưa chuyện cũ: Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên ở Đà Lạt

Cách đây hơn 80 năm, tại Đà Lạt đã diễn ra cuộc thi sắc đẹp dành cho các sơn nữ bản địa.

Hình cuộc thi hoa hậu trên tấm bưu thiếp đóng dấu năm 1935

Ông Ngô Quang Vũ (ngụ đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt), người có nhiều năm sưu tầm các cổ vật, hiện vật, hình ảnh của đồng bào các dân tộc Tây nguyên đã bất ngờ phát hiện những tấm hình về cuộc thi sắc đẹp diễn ra tại Đà Lạt đầu thập niên 1930. Ông Vũ giới thiệu tấm hình bưu thiếp về cuộc thi sắc đẹp. Trên góc phải bưu thiếp có dán con tem ghi “Postes Indochine”, đóng dấu bưu điện Đà Lạt từ năm 1935. Tấm hình có khoảng 20 thiếu nữ tham dự cuộc thi đứng trên dãy ghế cao, mắt họ cùng nhìn về một hướng; xung quanh trên triền đồi có khá đông khán giả đứng, ngồi chăm chú theo dõi. Xa xa là những ngôi biệt thự kiểu Pháp ẩn hiện giữa rặng thông già, ước đoán không gian cuộc thi sắc đẹp diễn ra tại khu vực sân thể dục thể thao bên hồ Xuân Hương, Đà Lạt (nay là quảng trường Lâm Viên).

Nhìn tấm bưu thiếp thấy đầu tóc các thiếu nữ được bới gọn cùng một kiểu dáng, trên cổ đeo nhiều dây trang sức bằng hạt cườm, cùng một dây đeo bảng tên (hoặc số báo danh) trước ngực; hai bên cổ tay các sơn nữ đeo nhiều vòng trang sức. Điều đặc biệt, các sơn nữ bản địa dự thi để ngực trần, bên dưới quấn xà rông bằng loại vải mà họ tự dệt. Dưới chân mỗi thí sinh có một chiếc tô không rõ để làm gì. Mặt sau bưu thiếp in chữ “Carte Postale” với chữ viết của một người từ Đà Lạt gửi về một địa chỉ ở Sài Gòn.

Điều này phù hợp với nội dung trong cuốn Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, của Eric Jennings (Đại học Hoa Sen, Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2015), trích lại đoạn chú thích dưới tấm hình 3 phụ nữ bản địa Đà Lạt để ngực trần trên tờ La Presse Indochinoise (Báo chí Đông Dương) năm 1935 tại Đà Lạt với nội dung: “Nếu không có thủ thuật hay sự cứu viện của son phấn, những gương mặt thường vô cảm của họ tương phản dữ dội với những cơ thể tuyệt mỹ này”. Eric Jennings còn viết: “Cũng như vậy, loại bưu thiếp in hình phụ nữ Thượng ngực trần rõ ràng được ưa chuộng ở Đà Lạt, để những quân nhân, nhà quản lý, lính thủy, dân định cư và du khách viết gửi về nhà trên mặt kia tấm thiệp”.

theo-dau-xua-chuyen-cu-cuoc-thi-sac-dep-dau-tien-o-da-lat-2

Ông Vũ cho biết: “Có rất nhiều cuốn sách viết về lịch sử hình thành và phát triển TP.Đà Lạt, nhưng ông chưa tìm được tài liệu nào đề cập đến các cuộc thi sắc đẹp ở cao nguyên Lâm Viên”. Ông Vũ vào mạng internet phát hiện thêm một số hình ảnh các cuộc thi sắc đẹp, trong đó có tấm hình bưu thiếp được mô tả trên, ghi rõ “Concours de la beauté moie Dalat” (Cuộc thi sắc đẹp Thượng Đà Lạt). Ông Vũ cho người viết xem một tấm hình khác có khoảng 50 thí sinh xếp thành 2 hàng, phía sau có cột cờ treo quốc kỳ Pháp; dưới tấm hình ghi “Dalat – Concours de la beauté”. Bên cạnh những tấm hình chụp chung, ông Vũ cũng sưu tầm được hình một số sơn nữ ngực trần làm người mẫu chụp hình bên nai rừng, bên bộ da beo, trên nhà sàn hoặc đang đi giữa rừng xanh…

Lý giải về việc các sơn nữ dự thi để bộ ngực trần, ông Vũ nói: “Thời điểm đó, sơn nữ các bộ tộc Cil, Lạch sống dưới chân núi Lang Biang luôn để ngực trần khi ở nhà giã gạo hay lúc lên nương rẫy và cả khi tham dự các lễ hội… Họ không hề mắc cỡ hoặc sợ bị dòm ngó”. Theo ông Vũ, trong những cuộc thi sắc đẹp, các thiếu nữ để ngực trần dự thi một cách vô tư, tự nhiên. Theo tài liệu về các cuộc thi hoa hậu trên thế giới thì vào năm 1920, ở Pháp diễn ra cuộc thi hoa hậu đầu tiên. Cho nên phải chăng khi người Pháp đến Đà Lạt và muốn biến nơi này trở thành thủ phủ của Đông Dương, họ đã tổ chức một cuộc thi sắc đẹp như cách hội nhập văn hóa Pháp?

Kiến trúc sư Trần Công Hòa, Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng đã sống ở Đà Lạt lâu năm. Hơn 50 năm trước, ông từng thấy nhiều phụ nữ dân tộc K’ho để ngực trần gùi than củi, lương thực ra chợ Đà Lạt bán. Ông Hòa nhận định cuộc thi nhan sắc ở Đà Lạt vào thập niên 1930 nhằm tôn vinh nhan sắc phụ nữ bản địa. “Có thể người Pháp muốn nghiên cứu, tìm hiểu, tập tục, văn hóa của người bản địa qua cuộc thi này. Từ đó cho thấy Đà Lạt không chỉ mang vẻ đẹp của thiên nhiên, kiến trúc mà còn có cả vẻ đẹp văn hóa từ lâu đời”, ông Hòa nói. Ông cũng xác định địa điểm tổ chức cuộc thi nhan sắc này tại khu vực sân tennis ở quảng trường Lâm Viên ngày nay.

(theo ThanhNien)

Tag:

Chia sẻ ngay

Bài viết liên quan
1
Cách dùng tảo xoắn Spirulina mật ong mang lại hiệu quả
hong-treo-gio-DaLaVi-2