Đến với bản của người Lạch ở xã Lát, thị trấn Lạc Dương, Lâm Đồng, nếu được nếm rượu cần, nhấm nháp miếng thịt hun khói thơm ngon, bạn sẽ không bao giờ quên.
Xã Lát nằm ngay dưới chân núi Lang Biang, có đồng bào người Lạch sinh sống. Đời sống của đồng bào nơi đây tương đối khá giả nhưng vẫn giữ lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc, như nhà dài đã có hơn 100 tuổi làm bằng gỗ. Trong buôn Bon Dong I, những ngôi nhà sàn còn lại khá nhiều với những nét kiến trúc đậm nét cổ truyền.
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Blui Cil trong ngôi nhà sàn nguyên sơ vào đúng giờ cơm trưa. Ấn tượng đầu tiên là dọc khắp bức tường gỗ ngay lối vào là hàng chục những vò rượu cần xếp ngay ngắn, vừa để người nhà dùng, vừa bán cho du khách.
Những hũ rượu cần đã được ủ men.
Rượu cần là đồ uống quen thuộc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhưng mỗi nơi có hương vị khác nhau, tùy vào cách lên men, ủ rượu. 3 nguyên liệu chính để làm rượu gồm men gạo, cơm và trấu. Men gạo là thứ tạo nên hương vị đặc trưng cho mỗi loại. Loại men này được làm từ gạo được giã thành bột, sau đó trộn với nước, nắm lại rồi đem phơi khô. Sau thời gian 1-2 tuần, khi đã lên men, sản phẩm giã lần 2 rồi mang trộn với cơm trước khi ủ thành rượu.
Quá trình ủ rượu trong những bình bằng sứ bao giờ cũng được bắt đầu bằng một lớp trấu được lót bên dưới, sau đó đến lớp cơm đã được trộn men rượu, cuối cùng là một lớp trấu phủ lên trên. Loại cơm dùng để ủ rượu này có thể nấu với rất nhiều nguyên liệu: gạo tẻ, gạo lứt, nếp than, bắp, bo bo…
> Xem thêm: Dâu tây Đà Lạt sấy khô
Chiel cho biết rượu của gia đình anh làm thường có nồng độ cồn trên dưới 2 độ, nhẹ hơn bia. Chính điều này khiến rượu cần mới uống tưởng chừng rất nhẹ nhưng càng uống càng thấm, và say lúc nào không hay. Với một bình ủ có dung tích khoảng 5 lít, vừa uống vừa tiếp nước chừng 3-4 lượt, tổng cộng cho khoảng 20 lít rượu, có thể uống từ sáng đến chiều khi men đã nhạt.
Quây quần trong ngôi nhà sàn của chị Blui, chúng tôi còn được thưởng thức món thịt hun khói nướng trong gian bếp. Những miếng thịt nạc, thớ dày nhưng không quá cứng. Thông thường, thịt được treo trên bếp nấu của người Lạch chừng vài ngày, có màu vàng óng. Trước khi treo, thịt được ướp với một chút muối để tạo nên vị đậm đà.
Thịt hun khói được nướng trên than hồng tỏa mùi thơm nghi ngút. Chấm với chút muối tiêu dầm cùng một loại lá của người Lạch thịt có vị ngọt, bùi, vừa dai lại vừa mềm.
Thịt hun khói ăn đến đâu sẽ nướng đến đó ngay trên than hồng.
Đối với người Lạch, tục uống rượu cần cũng có quy luật riêng. Chị Blui chia sẻ, thường những vị khách quý sẽ được chủ nhà mời cắm cần rượu, xoay đủ 3 vòng rồi đưa cho chủ nhà thưởng rượu đầu tiên. Phong tục này vừa cho thấy tấm lòng hiếu khách, vừa thể hiện sự tôn trọng của khách đối với chủ nhà.
Chủ nhà uống lượt đầu tiên xong sẽ xoay vòng đến mọi người. Rượu vừa uống vừa được châm thêm nước, sao cho vừa đầy lên miệng bình. Đến khi cạn, men rượu đã nhạt, bình rượu vẫn tràn đầy như tấm lòng của chủ dành cho khách, sự trân trọng mà khách đáp lại với chủ nhà.
Theo phong tục của người Lạch, khách quý sẽ là người cắm cần rượu, xoay 3 vòng sau đó trao lại cho chủ nhà.
Nhiều bữa rượu cần kéo dài từ sáng đến tối. Vào dịp Tết hay có đám, có khi rượu được uống từ ngày này qua ngày khác, đến khi tàn tiệc. Rượu cần thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Lạch, vì thế, đã uống rượu phải uống trọn cho say.
Theo Zing News